Nông dân Bình Thuận livestream bán hàng

BTO- Trên chương trình “kết nối nông sản Việt” của Đài THQG VTV1, vừa giới thiệu cảnh những nông dân Bình Thuận thành thục và tự tin trước máy quay điện thoại, để livestream bán thanh long tại vườn.

Rất nhiều hình ảnh và thông tin sống động, chân thật được chuyển tải đến mọi người, từ quy trình chăm sóc thanh long, đến giá cả, cách thức chế biến các sản phẩm từ quả thanh long tươi…

newsoutside-23-6-20215-9568155-9138-5486-1624528515.jpg
Người trồng thanh long Bình Thuận chân thật và giản dị trong các livestream.

Livestream bán hàng đang là cách thức tiêu thụ hàng hóa phổ biến ở nước ta, nông dân nhiều vùng – miền, trong đó có Bình Thuận cũng trong xu hướng ấy. Suốt mấy năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thanh long Bình Thuận khó tiêu thụ, giá xuống thấp, bà con nông dân khó tiếp xúc với khách hàng do liên tục bị “phong tỏa”, “giãn cách”. Livestream là một cách vượt khó để bà con giới thiệu với người tiêu dùng sản phẩm thanh long sạch của mình. Buổi đầu khó khăn, qua vài ba lần được tập huấn cách thức livestream, nhiều nông dân đã tự tin đứng trước máy quay điện thoại để giao tiếp và chuyển tải các thông tin đến người tiêu dùng, giúp tăng sản lượng tiêu thụ.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu thế tất yếu trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế, về truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản. Trên con đường ấy bà con nông dân không phải đi một mình, vào dịp tết Tân Sửu 2021, chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Trung tâm khuyến nông Bình Thuận, đã hỗ trợ 3 HTX sản xuất thanh long sạch, xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là Hòa Lệ, Thuận Hòa và Hàm Minh 30, thí điểm bán thanh long qua livestream. Bà con nông dân của 3 HTX được hướng dẫn và thử nghiệm ứng dụng livestream trên nền tảng Facebook, để giới thiệu và quảng cáo sản phẩm thanh long Bình Thuận đến người tiêu dùng trên internet.

Giai đoạn tiếp theo, UNDP sẽ tiếp tục phối hợp VECOM và khuyến nông Bình Thuận, hỗ trợ nông dân xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến như website, gian hàng trên sàn TMĐT… từng bước mở rộng tiêu thụ thanh long sạch ra cả nước.

Chuyển đổi số đang âm thầm len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống thường nhật của người dân ta. Từ việc nông dân livestream bán hàng, đến chuyện nhỏ như mua hộp cơm, bộ váy áo, cái tivi, tủ lạnh, ô tô, hay thanh toán điện, nước, điện thoại, internet hàng tháng, hoặc làm từ thiện…người ta đều chuyển khoản một cách nhanh chóng, đơn giản và tiện lợi.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số, từ sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Quá trình ấy, người nông dân không thể tự mày mò đi một mình, mà cần có sự dẫn dắt của các doanh nghiệp, các HTX, và chính sách hỗ trợ thích hợp của nhà nước.

KHÔI NGUYÊN – Báo Bình Thuận