HỎI ĐÁP

(có tất cả 5 câu hỏi)

Hỏi:

    • Xin chào anh/ chị,
      Em đang tìm hiểu về các loại cây dược liệu ở Bình Thuận, rất mong anh chị giúp em trả lời các câu hỏi sau:
      1. Các loại cây dược liệu nào trồng được ở tỉnh Bình Thuận? ( rất mong nhận được câu trả lời chi tiết để em có thể tìm hiểu sâu hơn)
      2. Hiện tại tỉnh đang có các dự án nào về cây dược liệu?
      3. Một số đặc điểm về điều kiện tự nhiên ở các địa phương trong tỉnh phù hợp trồng cây dược liệu?
      Rất mong sớm nhận được phản hồi từ anh chị, nếu có thể cho em xin thêm các đường link tài liệu liên quan.
      Em xin chân thành cám ơn,

Trả lời:

    • Cám ơn bạn đã quan tâm đến trang web của đơn vị !
    • Cây dược liệu ở Bình Thuận có rất nhiều loại cà gai leo, đinh lăng, bạc hà, nha đam…đều phát triển khá tốt trong điều kiện tự nhiên tại địa phương.
    • Theo tôi được biết, Hội Đông y tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành đề tài KHCN về xác đinh một số cây dược liệu quý hiếm trên địa bàn tỉnh, trong đó có các loại cây: Thầy Thím, Đỗ Trọng Nam, Vàng đắng, Bứa, Ngũ gia bì, Thiên niên kiện, Bách bộ, Bình vôi, Bạch tần lê, Bụp giám và Dừa cạn. Đây là 12 cây thuốc quý được điều tra khảo sát từ đề tài khoa học của Bình Thuận được nghiệm thu năm 2008.
    • Hiện nay, đối với ngành nông nghiệp, bước đầu thực hiện thực hiện về sản xuất cây dược liệu theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khoá XIV) và Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 07/01/2022 của UBND tỉnh Bình Thuận về Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khoá XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Trong đó, cây dược liệu: Xây dựng phát triển các vùng cây dược liệu, gồm các giải pháp, chính sách đặc thù để làm cơ sở triển khai thực hiện. Phấn đấu đưa cây dược liệu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Bình Thuận, có các sản phẩm dược liệu được công nhận là sản phẩm OCOP, phục vụ khách du lịch đến tỉnh Bình Thuận.
    • Hiện nay tại Bình Thuận đang triển khai thực hiện đề tài KHCN cây Nha đam và đang xây dựng đề án định hướng phát triển cây dược liệu hữu cơ giai đoạn 2021-2030.
    • Một vài thông tin giúp bạn, chúc bạn thành công!

Hỏi:

    • Em có 7000m2 đang trồng cây thanh long. Hiện nay giá thanh long không còn ổn định nên em muốn chuyển đổi cây trồng khác. Em muốn trồng cây ngắn ngày kết hợp với chăn nuôi gà thả vườn với một ít rau xanh. Xin cho em hỏi các cây trồng phù hợp với mô hình này và em có thể học các kĩ thuật trồng trọt chăn nuôi này ở đâu ạ. Em xin cảm ơn!

Trả lời:

      • Cám ơn bạn đã quan tâm đến trang Web của đơn vị !
      • Theo tôi được biết, do giá cả thanh long hiện nay thường biến động không có lợi cho nhà vườn, nên một số diện tích trồng thanh long tỉnh ta chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác, tuy nhiên khi chặt bỏ bạn cần cân nhắc thật kỹ nhé !
      • Về cây ngắn ngày bạn hỏi thì rất nhiều, kể cả cây rau xanh mà bạn muốn trồng; theo tôi được biết và có thể giới thiệu cho bạn một số cây ngắn ngày có giá trị và phổ biến hiện nay: cây bắp sinh khối, bắp ngọt, cây đậu phộng, cây khoai tây, đậu cove, cây đu đủ. Bạn cần lưu ý, cây đu đủ là cây ra ăn trái lâu năm nhưng khoảng 7-9 tháng là cho thu hoạch và ra trái quanh năm.
      • Bạn cũng cần nghiên cứu thêm về cây ăn trái đang thịnh hành hiện nay như cây táo, cây sầu riêng, cây bưởi…hoặc là cây dược liệu, là loại cây trồng được tỉnh ta quan tâm và định hướng cho thời gian tới.
      • Tuy nhiên, mỗi loại đất có thể thích nghi cho mỗi loại cây trồng nhất định, nên khi trồng cần xem xét thật kỹ; bạn ở Hàm Hiệp thì đất cũng khá đa dạng, chủ yếu là đất thịt pha cát, một số ít đất cát pha thịt nên cũng khá phù hợp với các cây trồng nêu trên.
    • Để tìm hiểu về kỹ thuật bạn có thể liên hệ:
      • Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận: bạn nên về trực tiếp để được chia sẽ và tư vấn cụ thể hơn, địa chỉ 299 đường 19/4, phường Xuân An, Phan Thiết; hoặc liên hệ về cây trồng qua số điện thoại 0983514553 (gặp anh Bình), về chăn nuôi gà qua số điện thoại 0985840926 (gặp anh Hưng). Khi liên hệ trực tiếp bạn vui lòng gọi điện thoại trước để bố trí thời gian.
      • Trung tâm kỹ thuật và DVNN Hàm Thuận Bắc, địa chỉ: QL 28, thị trấn Ma Lâm hoặc liên hệ với cô Linh, điện thoại 0823559433.

Chúc bạn thành công !

Hỏi:

    • Xin địa chỉ mua cây giống lộc vừng và cây đàng hương số lượng lớn! Hướng dẫn cách trồng 2 loại cây trên.

Trả lời:

    • Cảm ơn bạn đã quan tâm đến trang Web của đơn vị !
    • Bạn có thể liên các địa sau để biết thêm chi tiết, vì số lượng mua nhiều hay ít thì bạn phải trực tiếp liên hệ để họ trả lời và hướng dẫn.
    • Cây Lộc Vừng:

      • Công ty cây xanh Bình Nguyên: 0909551105 gặp anh Bình.

      • Cty Cổ phần Hoa Sài Gòn 74/2/1D đường 36, phường Linh Trung, tp Thủ Đức, Hồ Chí Minh. Điện thoại: 02837203389; CSKH 0901805859.

    • Cây Đàn hương:
      • Trung tâm cây giống Đồng Nai 02- Ấp, đường Nguyễn Hoàng, Sông Trầu, Trảng Bom, Đồng Nai. Điện thoại: 0907780602 gặp anh Vương.

Hỏi:

    • Trung tâm xin cho em hỏi là ở Bình Thuận có mở lớp dạy phối tinh cho bò không ạ, e muốn học thì liên hệ chỗ nào được ạ. Em xin cảm ơn!

Trả lời:

    • Hiện nay Bình Thuận chưa mở lớp đào tạo dẫn tinh viên. Anh có thể liên hệ tham gia các lớp học dẫn tinh viên tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia súc lớn. Địa chỉ: ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Điện thoại: 02743564220 – 0903050013

 

Hỏi:

    • Kính gửi: Quý Trung Tâm
    • Gần đây nghe nhiều người nói về ủ phân từ rác và phế phẩm bỏ đi trồng cây rất tốt. Mong Quý trung tâm tư vấn giúp cách ủ phân từ cây lục bình, rác…để phân đạt chất lượng, hiệu quả. xin hỏi loại phân này có phù hợp để bón cho cây trồng lâu năm được trồng trên vùng đất cát ở Bình Thạnh huyện Tuy Phong hay không.
      Cảm ơn Quý Trung Tâm rất nhiều!!!!

Trả lời:

    • Cám ơn bạn đã quan tâm đến trang Web của đơn vị !
    • Điều bạn hỏi và rất đúng trong giai đoạn hiện nay, từ lâu trong sản xuất người ta có thể ủ rác thải từ cây trồng hoặc chất thải chăn nuôi để làm phân bón cho cây trồng theo kinh nghiệm truyền thống, ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ đã sản xuất ra nhiều chế phẩm sinh học chứa các vi sinh vật đề phân giải các chất khó tan trong phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra phân bón cho cây trồng.
    1.  Sản xuất phân rác từ phế phụ phẩm trồng trọt theo truyền thống.
      • Thân lá cây trồng được băm, chặt thành đoạn ngắn 20-30 cm, có thể ngâm nước vôi loãng 2-3 ngày trước khi ủ, được xếp thành lớp dày 30 cm, rắc một lớp vôi lên trên và tiếp tục tạo thành đống 1,0 – 1,5 m. Có thể thay vôi bột bằng phân lên men (phân bắc, phân chuồng, phân hóa học như đạm, lân) với tỷ lệ 20%. Dùng bùn ao, sông, hồ trát kín và ủ khoảng 20 ngày, sau đó đảo lại. Phân rác có thể dùng bón lót sau 45-60 ngày ủ và có thể dung bón thúc, nếu ủ đến lúc phân hoai mục.

          2.  Sản xuất phân rác từ phế phụ phẩm trồng trọt theo công nghệ mới ngày nay.

      • Trong thực tế thị trường hiện nay có nhiều chế phẩm để xử lý, trong khuôn khổ bài viết có hạn, giới thiệu với bạn mộ số chế phẩm thông dụng hiện nay:
        • Sử dụng chế phẩm Bio ADB xử lý cành thanh long
          • TÓM TẮT QUY TRÌNH XỬ LÝ CÀNH, QUẢ THANH LONG BỊ BỆNH:

              • CHẾ PHẨM VÀ LIỀU LƯỢNG SỬ DỤNG:
                • Sử dụng chế phẩm BIO-ADB và phụ gia, lượng 200g chế phẩm + 1 lít phụ gia cho 1 tấn cành.
              •  CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH:
                •  Bước 1: Cắt tỉa cành bệnh, cành già
                  •  Cắt khoảng 20-30% tổng số cành trên cây, có thể cắt thành nhiều đợt
                •  Bước 2: Cách tạo đống ủ:
                  • Cho 1 tấn cành tạo thành đống ủ có diện tích rộng 1m, dài 2m và cao 1,2m; đống ủ có thể tạo ở bất cứ vị trí nào thuận tiện nhất giữa vườn thanh long.
                  • Rắc 1 lớp vôi bột lên bề mặt đất để hạn chế phát tán bào tử trong những ngày đầu.
                  • Thu gom cành bệnh dùng máy cắt cỏ cắt cành dài khoảng 10 – 20cm.
                  • Xếp thành lớp, mỗi lớp dày khoảng 30cm.
                • Bước 3: Phối trộn nguyên liệu và xử lý chế phẩm:
                  • Hòa chế phẩm và phụ gia vào 32 lít nước.
                  • Rắc 1 lớp mỏng vôi bột lên mỗi lớp cành sau khi đã cắt ngắn.
                  • Sử dụng 8 lít dung dịch BIO-ADB đã pha phun vào mỗi lớp cành bệnh.
                  • Tiến hành tuần tự như vậy với khoảng 4 lớp, sau đó dùng bạt hoặc nilon che phủ lên bề mặt đống ủ.
                • Bước 4: Kiểm tra đống ủ và sử dụng làm phân bón:
                  • Sau khi ủ 35 – 45 ngày, khi nhiệt độ của đống ủ hạ xuống ở nhiệt độ bình thường, cành bệnh đã phân giải thành phân, đống ủ khô, không còn mùi hôi thì kết thúc ủ, lúc này có thể sử dụng cho cây trồng theo chế độ bón phân hữu cơ.

        •  Sử dụng chế phẩm Compost Maker- Bio 02 xử lý phế phẩm cây trồng ( còn gọi là nguyên liệu hữu cơ)
          • Chế phẩm được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là Tiến bộ khoa học kỹ thuật và cho phép áp dụng trong sản xuất theo quyết định số 2421/QĐ/BNN-KHCN ngày 17/8/2004.
          • Thành phần:
            • Vi sinh vật phân giải xenlulo (Streptomyces owasiensis); phân giải phosphat khó tan, phân giải protein (Burholderia vietnamiensis); lên men, khử mùi hôi (Saccharomyces cerevisiae). Mật độ vi sinh vật hữu ích mỗi loại đạt > 108 CFU/g.
          • Công dụng:
            • Chuyển hóa nguyên liệu giàu hợp chất carbon (than bùn, phụ phẩm nông nghiệp: rơm rạ, thân lá cây, vỏ cà phê, vỏ ca cao, phế thải chăn nuôi, bã thải sắn, bã thải dong riềng…) làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh.
            • Cách dùng:
              • Liều lượng: 2 kg chế phẩm vi sinh vật cho 1 tấn nguyên liệu hữu cơ.
              • Chuẩn bị nguyên liệu: 1 tấn nguyên liệu hữu cơ; 2 kg chế phẩm Compost Maker, 2 kg phân đạm u rê (hoặc amoni sulfat); 1 kg kali clorua, 5 kg phân super lân, 5 – 7 kg rỉ đường; 10 kg cám gạo (hoặc cám ngô); 7 – 10 kg vôi bột hòa tan trong 50 lít nước (nước vôi trong).
              • Bước 1: Lấy nước vôi trong phun đều lên nguyên liệu hữu cơ, đánh đống ủ trong thời gian 1- 2 ngày để nguyên liệu hữu cơ mềm ra.
              • Bước 2: Trộn nguyên liệu hữu cơ với super lân, cám gạo (nếu có) và chế phẩm Compost Maker. Sau đó hòa rỉ đường, đạm u rê, kali và 40 – 50 lít nước sạch. Phun trộn đều lên đống nguyên liệu (có thể bổ sung thêm nước để đạt độ ẩm 50 – 60%.
              •  Bước 3: Ủ nguyên liệu sau khi phối trộn thành đống (chiều cao đống ủ 80 – 100 cm); sử dụng vật liệu đơn giản để che đậy đống ủ. Tiến hành đảo trộn đống ủ sau 10 ngày và 20 ngày (sử dụng nước bổ sung thêm vào nếu đống ủ bị khô). Thời gian ủ tùy thuộc vào loại nguyên liệu hữu cơ (than bùn: 30 ngày, rơm: 30 ngày, phân lợn: 25 ngày, phân gà: 30 – 35 ngày, vỏ cà phê: 60 ngày…).
              • Lưu ý: không nén quá chặt đống ủ. Độ ẩm của đống ủ tốt nhất từ 50-60% (khi bóp nguyên liệu thấy có vết rỉ nước qua kẽ tay). Sau khi kết thúc quá trình ủ, sản phẩm sau khi ủ được dỡ ra và đảo trộn, đánh đống lại và để nguyên với mục đích ổn định chất lượng trước khi đem ra sử dụng.
              • Các sản phẩm sau khi ủ thành công đều trở thành phân bón hữu cơ cho cây trồng, kể cả bón được cho cây trồng lâu năm trên vùng đất cát ở Bình Thạnh huyện Tuy Phong của bạn và cải tạo cho đất cát vốn nghèo dinh dưỡng và kết câu đất đất kém ngày càng tốt dần lên nếu bạn được bón phân hữu cơ thường xuyên.