Thanh long – thứ trái cây đặc sản của Bình Thuận hiện nay đang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu và Mỹ.

Nước ta có một số địa phương trồng thanh long nhưng tập trung nhất vẫn là Bình Thuận. Hiện nay, diện tích cây thanh long ở Bình Thuận đã lên gần 10 nghìn ha, trong đó khoảng chín nghìn ha cho quả và sản lượng năm nay ước đạt 180 nghìn tấn. Thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa. Lâu nay, phần lớn quả thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang các nước, vùng lãnh thổ ở châu Á; một số nước châu Âu, như: Hà Lan, Ðức và Canada. Bảy tháng đầu năm 2008, toàn tỉnh đã xuất khẩu gần 15 nghìn tấn quả.

Bình Thuận đang ráo riết chuẩn bị để xuất khẩu quả thanh long sang thị trường Mỹ. Sau nhiều lần đến Bình Thuận khảo sát thực tế, phía Mỹ cơ bản chấp nhận quy trình kỹ thuật sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam (VietGAP) hoặc theo tiêu chuẩn châu Âu (EurepGAP). Họ yêu cầu các nhà đóng gói trái thanh long phải bảo đảm cách ly an toàn tuyệt đối và bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh từ thu hoạch đến vận chuyển sản phẩm.

Ðầu tháng 9 vừa rồi, đại diện Cục Kiểm dịch thực vật (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) và Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) đã trao chứng chỉ đạt tiêu chuẩn nhà đóng gói trái cây vào thị trường Mỹ cho hợp tác xã thanh long theo tiêu chuẩn EurepGAP Hàm Minh và Công ty trách nhiệm hữu hạn thanh long Hoàng Hậu. Ðây là hai đơn vị tiên phong ở Bình Thuận đang chuẩn bị xuất khẩu quả thanh long vào thị trường Mỹ. Dự kiến tháng 10 tới, Công ty trách nhiệm hữu hạn thanh long Hoàng Hậu
sẽ đưa chuyến hàng đầu tiên qua Mỹ.

Ðây là một thị trường lớn và “khó tính”, do vậy, khi quả thanh long vào được, sẽ có thêm nơi tiêu thụ với số lượng lớn, lâu dài, đồng thời khẳng định chắc chắn hơn thương hiệu, đẳng cấp của thanh long Bình Thuận, Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bất kỳ hàng hóa nào, khẳng định được thương hiệu, đẳng cấp là cả một quá trình lâu dài, khó khăn nhưng để giữ vững càng khó khăn hơn. Thanh long Bình Thuận và rộng hơn là một số loại trái cây Việt Nam, không phải là ngoại lệ. Do vậy, phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, thận trọng từng khâu, từng bước, thà chậm mà chắc, để đàng hoàng, đĩnh đạc khi ra “biển lớn”.

Hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ phải bảo đảm chất lượng ổn định, lâu dài. Với quả thanh long cũng vậy, phải có nguồn gốc rõ ràng từ các vườn đã được cấp chứng chỉ sản xuất an toàn, trước mắt là theo tiêu chuẩn EurepGAP, tuyệt đối không thu gom hàng không đủ tiêu chuẩn. Bình Thuận phải quy hoạch thật cụ thể, chi tiết việc phát triển vùng thanh long an toàn, từ đó, đầu tư mạnh hơn về cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất tập trung. Tăng cường hơn nữa việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng thanh long theo hướng an toàn; mở rộng diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời tổ chức tốt việc quản lý, giám sát dịch bệnh và kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây thanh long. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần mở rộng liên kết với nhiều bên, nhiều phía, nhiều đối tác, nhất là với các nhà vườn, trên cơ sở cùng có lợi lâu dài. Tất nhiên, không thể bỏ qua khâu tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại…

Lâu nay, hơn 20 nghìn hộ nông dân trồng thanh long, hơn 200 cơ sở thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận và hàng nghìn lao động khác đã “sống khỏe” nhờ thanh long, không ít người đã trở thành triệu phú, tỷ phú. Chắc hẳn họ biết cần phải làm gì để giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận.