Chế biến Thanh Long sấy: Giải pháp sau thu hoạch trước ảnh hưởng của dịch Covid-19

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu thanh long lớn nhất thế giới, chiếm thị phần cao nhất tại châu Á, châu Âu và một số thời điểm tại Mỹ. Thái Lan và Israel là hai nước xuất khẩu lớn thứ hai và thứ ba tại thị trường châu Âu. Tại thị trường Mỹ, Mexico và các nước Trung – Nam Mỹ là các đối thủ cạnh tranh lớn nhất đối với các nhà xuất khẩu thanh long từ châu Á do lợi thế địa lý. Thanh long Việt Nam đã có thương hiệu lâu với người Mỹ gốc Á. Thanh long Thái Lan, Malaysia… đang cố gắng tìm kiếm thị phần tại thị trường này. Tại châu Á, Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Trung Quốc, tuy nhiên xuất khẩu sang các thị trường như ASEAN, Hồng Kông vấp phải cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước như Đài Loan, Thái Lan và Malaysia.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy, hiện nay có 60/63 tỉnh, thành trồng thanh long, với diện tích và sản lượng tăng rất nhanh. Nếu năm 1995 cả nước có hơn 2.200 ha trồng thanh long, sản lượng gần 23.000 tấn thì đến năm 2018 tăng lên gần 54.000 ha trồng thanh long (trong đó diện tích đang cho thu hoạch hơn 45.000 ha), sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 24 lần về diện tích và tăng hơn 46 lần về sản lượng. Diện tích trồng thanh long tăng nhanh. Bình Thuận là nơi có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất chiếm 63,2% diện tích và 68,4% sản lượng cả nước, Long An (chiếm 17,3% diện tích và 14,2% sản lượng), Tiền Giang (chiếm 10,9% diện tích và 13,7% sản lượng). Phần diện tích thanh long còn lại phân bố ở một số tỉnh Miền Nam như Vĩnh Long, Trà Vinh, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và một số tỉnh Miền Bắc. Năm 2018, sản lượng thanh long cả nước đạt 1.074,2 nghìn tấn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ;Tổng cục thống kê, 2018).

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lận cận, (Long An,Tiền Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận….) nên ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, tiêu thụ thanh long của Bình Thuận nói riêng và của cả nước nói chung. Đặc biệt, đối với tình hình tiêu thụ tại khu vực các cửa khẩu biên giới phía bắc giáp với Trung Quốc, năng lực thông quan tại đây thường xuyên bị ảnh hưởng bởi do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 năng lực thông quan luôn bị hạn chế khiến cho lượng hàng hóa bị ùn ứ tạu khu vực cửa khẩu rất lớn.

Hiện nay, Thanh long chế biến là một trong những sản phẩm nông sản chế biến được tiêu thụ với sản lượng rất lớn trong nước và xuất khẩu đi các nước như Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc,… Với đặc trưng về công nghệ chế biến hiện nay, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của sản phẩm thanh long sấy phụ thuộc vào chất lượng và dư lượng của nguyên liệu đầu vào. Trong quá trình gia nhiệt thì sản phẩm sẽ thay đổi trạng thái, cấu trúc, màu sắc, mùi vị và hàm lượng các chất dinh dưỡng, tuy nhiên chất lượng về an toàn VSTP như tồn dư thuốc BVTV hay kim loại nặng sẽ không thay đổi. Chất lượng này có thể vẫn sẽ giữ nguyên từ nguyên liệu ban đầu cho tới sản phẩm thành phẩm trong suốt quá trình chế biến. Vì vậy việc kiểm soát an toàn chất lượng nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất là hết sức quan trọng. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho sản phẩm thành phẩm sau cùng. Do đó, việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng vào sản xuất các sản phẩm thanh long sấy cho thấy việc đầu tư nghiêm túc vào chất lượng sản phẩm, nhằm tạo ra các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu chất lượng ở những thị trường khó tính nhất. Kết quả điều tra và thu thập thông tin thực trạng sản xuất và VSATTP tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thanh long sấy.